Để thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy, hứa hẹn sẽ giúp công tác xây dựng nhà ở xã hội sớm khởi sắc.
Theo báo cáo mới đây về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2024, chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành một phần dự án.
Trong quý 3, chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành một phần dự án. Ảnh:LV
Tiến độ còn chậm
Từ năm 2021 đến nay, theo tổng hợp từ các địa phương, cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội được thực hiện với khoảng 565.177 căn. Trong đó có 79 dự án đã hoàn thành, cung cấp 42.414 căn cho thị trường; 131 dự án khác đang trong quá trình xây dựng với 111.687 căn; và 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng quy mô 411.076 căn.
Để hỗ trợ người thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở xã hội, Chính phủ đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ngoài các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), còn có thêm ngân hàng TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố danh sách 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa bố trí được nhiều, thực hiện đề án hướng đến 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, ngành ngân hàng đã đưa ra gói 120.000 tỷ đồng và đến nay gói này đã tăng lên 145.000 tỷ đồng (do có thêm ngân hàng HDBank tham gia). Đây là nguồn vốn mà tự các tổ chức tín dụng bố trí được, với lãi suất giảm từ 1,5 – 2%/năm cho khách hàng vay; thời hạn cho vay đối với chủ đầu tư trong 3 năm và đối với người vay vốn mua nhà là trong 5 năm.
Theo Bộ Xây dựng, hiện gói 120.000 tỷ đồng đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án. Trước đó, Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng tham gia gói tín dụng, đồng thời xem xét giảm lãi suất và nâng thời hạn cho vay.
Tăng cung nhà ở xã hội
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ mở rộng quỹ đất cho nhà ở xã hội; rà soát quỹ nhà tái định cư để chuyển đổi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội và sử dụng nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở ở mức hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả phát triển trong thời gian tới.
Gói 120.000 tỷ đồng đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án. Ảnh:VA
Vừa qua, Hà Nội đã thúc đẩy việc chuyển đổi Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp sang loại hình nhà ở xã hội, hoàn thành chậm nhất năm 2026-2027. Thực tế, nhiều toà nhà của dự án này đang trong tình trạng bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí. Bởi vậy, việc cải tạo khu nhà bỏ hoang thành nhà ở xã hội được các chuyên gia đánh giá là chính sách thiết thực cần sớm thực hiện trước bối cảnh giá nhà liên tục leo thang.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G-Home cho rằng chuyển đổi khu nhà Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội là cần thiết, giúp tăng nguồn cung cho thị trường khi nhu cầu mua và thuê loại hình này ở Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn do rào cản pháp lý và thủ tục phức tạp. Do đó, theo ông Nam, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như đầu tư hạ tầng, tiện ích và xác định mức giá phù hợp để thu hút người dân.
Đánh giá việc chuyển đổi các tòa nhà sinh viên bỏ hoang thành nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn, song KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thiết kế, cải tạo để đảm bảo các tiêu chuẩn của nhà ở và nhu cầu của người ở. Đây là một quá trình đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực của các bên liên quan.
Theo Vi Anh – Diễn Đàn Doanh Nghiệp