Bộ Xây dựng tăng tốc để thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết kịp thời.

 Một khu nhà ở xã hội tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021-2030” gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề quỹ đất hạn chế, thủ tục pháp lý phức tạp và nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất, ban hành nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và tín dụng. Được biết, Bộ Xây dựng đang đề xuất phát hành 100.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ tài chính cho việc phát triển NƠXH.

Dự thảo nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi này đang được Bộ lấy ý kiến từ các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành. Mục tiêu của nghị quyết nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Liên quan tới việc đề xuất thêm gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, với nhiều ưu đãi hơn cho người mua nhà, ông Vương Duy Dũng – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin: Thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng và các bộ đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội.

Gói này được triển khai trên tinh thần các ngân hàng chủ động cân đối, ngân sách không hỗ trợ nên ưu đãi lãi vay ngắn, 3 năm cho chủ đầu tư, 5 năm cho người mua. Gói này chưa đảm bảo đủ ưu đãi với người mua nhà là người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Vì thế, để tăng ưu đãi Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, trong đó có 15.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, 15.000 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân mua nhà ở xã hội. Qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà.

Cũng theo ông Vương Duy Dũng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng phải được triển khai phù hợp với các luật khác, Bộ Xây dựng đang làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm triển khai gói tín dụng này.

Trong năm qua Bộ Xây dựng cũng đề xuất rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt dự án, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa liên thông, giúp giảm thời gian từ khi bắt đầu đến khi dự án được triển khai. Đồng thời, Bộ đề nghị các địa phương chủ động dành quỹ đất sạch cho việc phát triển NƠXH, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới. Đồng thời thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển NƠXH.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển NƠXH, xác định phát triển NƠXH là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hàng năm của từng địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình NƠXH để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỉ lệ NƠXH cho thuê.

Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển NƠXH.

Luật Thủ đô tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, Hà Nội đã và đang triển khai 63 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ. Tính riêng trong năm 2024, thành phố dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 dự án, trong đó 3 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành 78.000m2 sàn với 1.180 căn hộ; 4 dự án phát triển mới với 0,7 triệu mét vuông sàn, khoảng 9.000 căn hộ.

Trước những khó khăn chung liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có điểm mới về cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, Luật Thủ đô (sửa đổi) giúp đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư và cấp phép đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Ông Nguyễn Bá Nguyên – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận định, với những chính sách mới đã được quy định tại Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 cùng với những quy định được bổ sung đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ khắc phục các bất cập, tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc phát triển nhà ở xã hội…

Với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và những điều khoản riêng về nhà ở xã hội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là một bước tiến rất lớn về chính sách nhằm tạo ra những cơ chế vượt trội, tạo sức hút trong quá trình thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. HẠNH AN

Theo Phan Anh – laodong.vn