Cao tốc nối TP HCM đến cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, dài 51 km, vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng khi hoàn thành phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tăng kết nối sang Campuchia.
Dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ nay tới năm 2027. Tuyến dài gần 51 km, điểm đầu giao Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP HCM; điểm cuối nối quốc lộ 22, huyện Bến Cầu, Tây Ninh.
Hiện nay xe từ TP HCM đi Tây Ninh chủ yếu qua quốc lộ 22 – tuyến đường đang quá tải trầm trọng, thường xuyên ùn tắc.
Giai đoạn một, cao tốc được xây dựng 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp nhưng sẽ giải phóng mặt bằng với quy mô 6 làn xe nhằm phục vụ mở rộng sau này. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Dọc cao tốc có 5 nút giao lớn sẽ được xây dựng kết nối các đường cắt qua, gồm: Vành đai 3, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8, ĐT.787B, quốc lộ 22B và quốc lộ 22.
Trong đó, nút giao ở đầu tuyến phía TP HCM nối vào Vành đai 3 và tỉnh lộ 15, huyện Củ Chi, quy mô lớn nhất. Nơi này bao gồm cầu cạn, hầm chui, đảo tròn trên mặt đất, cho xe rẽ đi các hướng mà không bị xung đột với nhau. Tỉnh lộ 8 hiện nay đã có đường, còn Vành đai 3 đang xây dựng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026.
Cũng tại nút giao cao tốc Mộc Bài – Vành đai 3 và tỉnh lộ 15, sau này sẽ có thêm tuyến đường sắt TP HCM – Tây Ninh chạy qua.
Tại nút giao giữa cao tốc và tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi, các nhánh cầu vượt sẽ được xây dựng cho xe chạy vòng qua lại giữa hai tuyến đường.
Tại nút giao với đường tỉnh ĐT.787B phía Tây Ninh, tuyến chính cao tốc TP HCM – Mộc Bài đi trên cao kết hợp với các nhánh rẽ, mỗi nhánh hai làn xe cho ôtô lên xuống.
Nút giao khu vực ĐT 787B giúp kết nối luồng xe đi về cảng cạn IDC Hưng Thuận và các khu công nghiệp lớn tại Tây Ninh như Phước Đông, Thành Thành Công, Trảng Bàng, Linh Trung.
Phối cảnh công viên, mảng xanh khu vực gần nút giao giữa cao tốc và Vành đai 3 – tỉnh lộ 15.
Ngoài các nút giao lớn, dọc cao tốc TP HCM – Mộc Bài sẽ được xây dựng hệ thống đường gom dân sinh những nơi đi qua khu dân cư để kết nối đồng bộ. Ngoài ra, dọc các nút giao sẽ được bố trí không gian cho mảng xanh cùng hạ tầng, tiện ích kèm theo.
Cầu Gò Dầu 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, nối thị trấn Gò Dầu với cửa khẩu Mộc Bài, sẽ được xây dựng trên cao tốc.
Phối cảnh một đoạn cầu vượt cùng các nhánh rẽ kết nối cao tốc với các tuyến đường xung quanh.
Cao tốc TP HCM – Mộc Bài chia thành 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 là xây cao tốc theo phương thức BOT có tổng vốn hơn 10.400 tỷ đồng do UBND TP HCM là cơ quan có thẩm quyền.
Dự án thành phần 2 xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt, vốn đầu tư 2.420 tỷ đồng. Hai dự án thành phần còn lại là giải phóng mặt bằng đoạn qua TP HCM và Tây Ninh. Những dự án này do ngân sách chi trả.
Phối cảnh trạm thu phí bố trí trên cao tốc.
Trong tổng mức đầu tư dự án, phần vốn nhà nước chiếm 49%, còn lại do nhà đầu tư huy động. Doanh nghiệp thực hiện dự án sẽ hoàn vốn trong 14 năm 10 tháng, sau đó chuyển giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền.
Phối cảnh nút giao kết nối cao tốc TP HCM – Mộc Bài với Vành đai 3 về đêm.
Trong tổng chiều dài toàn tuyến, đoạn cao tốc qua TP HCM chiếm hơn 24 km thuộc địa bàn huyện Củ Chi, với hơn 1.800 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí đền bù dự tính hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 1.832 tỷ so với khái toán trước đây do áp dụng theo Luật Đất đai mới. Phần qua Tây Ninh, kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng.
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài. Đồ họa: Khánh Hoàng
Cao tốc TP HCM – Mộc Bài khi hoàn thành sẽ tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP HCM với Campuchia, giảm tải cho quốc lộ 22. Đây cũng là tuyến ngắn nhất kết nối TP HCM với Campuchia thông qua cửa khẩu Mộc Bài.
Theo kế hoạch, tuyến đường khởi công tháng 6/2025, hoàn thành năm 2027.
Theo Gia Minh – vnexpress